Phúc Anh Store Blog
Top sản phẩm

Bẫy mua ‘AirPods chính hãng’ giá 250.000 đồng


Dù nghĩ AirPods không thể có giá 250.000 đồng, Lê Thanh vẫn quyết định mua khi người bán nói có thể kiểm tra, đúng hàng chính hãng mới trả tiền.

Lê Thanh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, có sẵn AirPods Pro và chưa có nhu cầu đổi. Tuy nhiên, đầu tháng 1, cô thấy quảng cáo AirPods 3 trên Facebook, với giả bằng 1/20 sản phẩm tại đại lý ủy quyền Apple nên “không muốn bỏ lỡ cơ hội”. Khi bày tỏ nghi ngờ về về mức giá, người bán khẳng định đây là hàng chính hãng, được tuồn ra từ nhà máy nên có giá rẻ. Người mua có thể kiểm tra số EMEI và các thông tin khác, không tin có thể trả lại.

Một bài đăng quảng cáo AirPods chính hãng giá rẻ trên Facebook. Ảnh: Lưu Quý

Một bài đăng AirPods “cho check mã chính hãng” trên Facebook. Ảnh chụp màn hình

Thị trường Việt Nam từ lâu tồn tại tai nghe True Wireless bắt chước sản phẩm Apple, chia làm hai loại gồm hàng giả và hàng nhái. Trong đó, hàng giả vẫn in thương hiệu AirPods, giống hệt sản phẩm gốc từ vỏ hộp tới phụ kiện, rẻ hơn tai nghe thật, có giá 1-2 triệu đồng. Còn hàng nhái có cùng kiểu dáng, tính năng, đa dạng thương hiệu như TWS, ANC, Hoco, Hổ vằn… và được bán ở mức vài trăm nghìn đồng.

Tuy nhiên gần đây, trên các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử bắt đầu xuất hiện nội dung rao báo AirPods “cam kết chính hãng” nhưng giá chỉ từ 190.000 đến 250.000 đồng. Ông Nguyễn Thành Long, quản trị viên nhóm người dùng Apple với 100.000 thành viên trên Facebook, đánh giá tai nghe này được xem là phiên bản giả AirPods giống nhất những năm qua.

“Với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, người mua chắc chắn nghi ngờ ngay là hàng giả, nhưng để tìm cách chứng minh không dễ”, ông nói.

Ông Long cho biết AirPods giả bề ngoài giống hàng thật đến 99%, gồm đủ các series từ bản thường đến Pro. Vỏ hộp có hai phần seal giấy mặt dưới, bên trong chứa phụ kiện dây sạc và hướng dẫn sử dụng viết bằng đủ bốn thứ tiếng. Khi bật Bluetooth, cả iPhone lẫn máy Android đều nhận ra tai nghe, đồng thời cửa sổ pop-up hiển thị chính xác tên thiết bị kết nối là “AirPods”. Đặc biệt, số model và serial của tai nghe lưu tại mục cài đặt điện thoại trùng khớp với thông tin trên vỏ hộp.

Một phiên bản AirPods hàng giả (trái) và số model, serial giả in trên hộp đựng (phải). Ảnh: Hoàng Giang

Cũng theo quản trị viên này, AirPods giả có đầy đủ tính năng như hàng thật. Ví dụ, khi bỏ tai nghe xuống, cảm biến sẽ nhận ra và dừng phát nhạc. Hai bên tai nghe cũng có vùng cảm ứng chạm, giúp chuyển bài hát hoặc gọi trợ lý ảo Siri. Thậm chí, thiết bị còn hỗ trợ sạc không dây và sạc nhanh, cũng như tính năng tạo âm thanh ba chiều Spatial Audio.

“Các mẫu AirPods giả trước đây thường cắt tính năng để giảm chi phí, nhưng phiên bản này có đủ. Đa số người nghe chỉ nhận ra khác biệt trong quá trình sử dụng”, ông nói.

Thất vọng khi sử dụng AirPods giá 250.000 đồng

Sau hơn một tuần sử dụng, Lê Thanh nhận thấy tai nghe bị rè nếu điều chỉnh âm lượng ở mức tối đa. Thiết bị cũng gặp khó khăn trong việc kết nối với máy lạ. Liên hệ đổi trả, cô được giải thích cửa hàng chỉ chấp nhận một đổi một nếu phát hiện lỗi ngay lúc mua.

Tương tự, Công Hoan, 28 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội, mua chiếc AirPods Pro 2 giá rẻ trên một sàn thương mại điện tử. Khi sử dụng, anh thấy phần cảm ứng trên thân tai nghe kém nhạy, thiết bị thường nhầm lẫn khi dùng thao tác chạm để điều khiển trình phát nhạc của iPhone. Tính năng tạo âm thanh ba chiều Spatial Audio không thể hiện rõ ràng. Khi khiếu nại, cửa hàng online lấy lý do sản phẩm được bán ở mức rất ưu đãi nên yêu cầu người mua không than phiền về một số hạn chế kể trên.

Ông Nguyễn Thành Long cho biết thực tế, “AirPods chính hãng 250.000 đồng” có âm thanh thô, chất lượng không đồng đều và chỉ là chiêu quảng cáo của một số cửa hàng nhằm cạnh tranh với chính các mẫu hàng giả, hàng nhái khác trên thị trường.

“Group của tôi thường xuyên nhận được bài đăng than phiền về chất lượng loại này. Việc bên bán tuyên bố là hàng chính hãng khiến nhiều người phản ứng vì cảm thấy bị lừa”, ông nói.

Còn theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS – hệ thống ủy quyền chính hãng Apple, AirPods giả sao chép đa dạng tính năng hàng chính hãng, nhưng thực chất chỉ ở mức “điểm danh” cho đủ số lượng, nhằm tạo ấn tượng, thu hút người mua. Sau thời gian ngắn trải nghiệm, người dùng dễ nhận ra các tính năng này không hoàn thiện, thậm chí thua nhiều dòng tai nghe phổ thông ở cùng mức giá.

Các chuyên gia cho biết với AirPods giả mạo, việc kiểm tra bằng cách đối chiếu số serial trên website chuyên dụng của Apple không còn hiệu quả, do nhà phân phối hàng giả thể chèn thông tin từ một thiết bị thật lên. Do đó, người dùng cần truy cập mục Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu. Nếu AirPods là hàng thật, thông tin sẽ được hiển thị tại đây.

Hoàng Giang




Nguồn VnExpress Source link

Tin cùng danh mục

Doanh số điện thoại Apple giảm sâu, Huawei tăng vọt tại Trung Quốc

iPhone cũ hút khách – Báo VnExpress Số hóa

Thị phần smartphone của Samsung tại Trung Quốc gần bằng 0