“Chuyển đổi xanh” là xu hướng, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tiếp cận công nghệ, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững.
Nhận định được các chuyên gia đưa ra tại DxTalks số mới nhất với chủ đề “Chuyển đổi xanh – Chìa khóa bứt phá của doanh nghiệp trong cuộc chơi toàn cầu” do FPT Figital thực hiện.
Mở đầu buổi chia sẻ, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc tư vấn FPT Digital cho biết chuyển đổi xanh hay chuyển dịch năng lượng hiện nay không còn giới hạn ở các sản phẩm, dịch vụ mà còn là cả hoạt động vận hành nội bộ của mỗi doanh nghiệp. Yếu tố “xanh” thể hiện ở quá trình đầu tư các hệ thống về điện, năng lượng, xây các công trình hoặc vận hành doanh nghiệp, để có thể tối ưu tiết giảm năng lượng, thân thiện môi trường.
Với dẫn dắt của ông Lê Vũ Minh, hai diễn giả DxTalks số mới nhất là ông Đỗ Văn Tiến, Giám đốc đầu tư Tập đoàn PC1 và bà Trần Thị Thu Phương, Giám đốc Kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp Vinfast đã có những chia sẻ xoay quanh quá trình “xanh hóa” trong doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Diễn giả cũng đưa ra những dự báo về xu hướng trong tương lai.
Bà Trần Thị Thu Phương cho rằng “xanh hóa” là quá trình tất yếu và từ sớm, Vinfast đã theo đuổi con đường này bằng cách chuyển từ xe xăng sang xe điện. Năm 2021, hãng ra mắt mẫu đầu tiên là VF e34 và hiện có 6 mẫu ôtô điện, một xe bus điện và nhiều sản phẩm khác. Doanh nghiệp chiếm 15% thị phần với hơn 30.000 xe bán ra. Đơn vị cũng mở rộng ra 20 thị trường quốc tế, xây dựng nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.
Việc chuyển dịch từ xe xăng sang điện cũng là cách doanh nghiệp đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) của Chính phủ.
Tiếp lời bà Phương, ông Đỗ Văn Tiến nhìn nhận Net Zero là cam kết thể hiện tầm nhìn dài hạn và đã được đánh giá kỹ càng về mức độ khả thi. Trong lĩnh vực năng lượng, có bốn nguồn “xanh” giàu tiềm năng, có thể khai thác để thay thế các nguồn hiện tại. Đầu tiên là điện gió với tiềm năng sản xuất 377.000 MW, nhưng hiện chỉ khai thác được 7.605 MW.
Thủy điện có thể đạt công suất 28.000 MW, đã vận hành 23.000 MW, cung cấp 75-85 tỷ kWh/năm. Điện mặt trời đạt tiềm năng 434.000 kW, nhưng công suất khai thác hiện tại hạn chế. Cuối cùng là điện sinh khối, khoảng 60 triệu tấn dầu từ chất thải thực vật.
“Đây là bốn nguồn chúng ta có thể tận dụng khai thác để phục vụ Net Zero. Thế nhưng đến nay, đây vẫn là tiềm năng thôi, còn chuyển hóa thành hiện thực vẫn còn nhiều thách thức”, ông Tiến nêu.
Theo lãnh đạo PC1, thách thức của việc khai thác năng lượng xanh nằm ở hạ tầng lưới điện hiện tại. Việt Nam cũng chưa làm chủ công nghệ lưu trữ điện mặt trời mà phải nhập khẩu, dẫn đến chi phí đầu tư cao. Điều này được kỳ vọng cải thiện trong tương lai khi Chính phủ có kế hoạch đầu tư hạ tầng và phát triển năng lượng tái tạo.
Bên cạnh nỗ lực từ Chính phủ, ông Lê Vũ Minh nhận định nội bộ doanh nghiệp cần chủ động chuyển dịch, nắm bắt xu thế, tận dụng công nghệ để phát triển bền vững hơn, đóng góp vào mục tiêu chung.
Tùy theo quy mô và nguồn lực, doanh nghiệp có thể hợp tác với những công ty tư vấn uy tín, giúp xây dựng chiến lược và lộ trình ESG gắn liền với mục tiêu kinh doanh. Theo kinh nghiệm đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, ông Minh cho biết phương pháp tiếp cận để xác định các mục tiêu phát triển bền vững có thể dựa trên 4 hạng mục gồm xác định cơ hội và rủi ro từ các yếu tố bên ngoài; tối ưu hóa hoạt động dựa trên các trụ cột ESG; xây dựng chuỗi giá trị và hệ sinh thái đảm bảo tính bền vững từ nguồn cung đến vận hành; tìm kiếm mô hình kinh doanh mới.
Nối tiếp phần này, bà Thu Phương chia sẻ câu chuyện của VinFast. Bên cạnh chuyển từ xe xăng sang điện, VinFast đặt tự tin mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2040, sớm hơn 10 năm so với lộ trình. Thương hiệu xe triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về chuyển đổi xanh, như “Tinh thần Việt Nam vì tương lai xanh”, ưu đãi miễn phí gửi xe và sạc điện cho người sử dụng xe điện. Doanh nghiệp cam kết đóng góp 1 triệu đồng cho Quỹ vì tương lai xanh với mỗi xe điện bán ra. “Chúng tôi mong tinh thần và những hành động này sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng để tất cả tham gia quá trình chuyển đổi xanh”, bà Thu Phương nói.
Với PC1, doanh nghiệp này áp dụng nhiều tiêu chuẩn xanh về năng lượng, sử dụng nước và khí thải đồng thời đặt ra chiến lược về phát triển bền vững. Trong quản trị, PC1 ưu tiên chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy, quy trình để tiết kiệm năng lượng, thay thế các vật liệu dùng một lần bằng những thứ có thể tái chế, tái sử dụng. Đơn vị cũng tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện, điện gió và điện mặt trời, với mục tiêu đạt khoảng 1.000 MW trong tương lai.
Trong lĩnh vực chính là bất động sản, PC1 chú trọng giảm năng lượng thông qua sử dụng các vật liệu, giải pháp thân thiện môi trường. Các dự án tái sử dụng nước thải đạt tiêu chuẩn cho các mục đích khác, như tưới cây. Doanh nghiệp tham gia thị trường mua bán điện trực tiếp (PPA), vừa sản xuất vừa tiêu thụ năng lượng xanh đồng thời xây dựng trung tâm điều hành khu công nghiệp để tối ưu hóa quản lý năng lượng, an ninh và xử lý nước thải.
Đại diện PC1 khẳng định lợi thế trên lộ trình này là được sự hỗ trợ về chính sách từ phía các cơ quan nhà nước. Các chính sách này sẽ ngày càng hoàn thiện và cởi mở hơn. Việc doanh nghiệp cần làm là xác định tiềm năng, năng lực nội tại, học hỏi từ các quốc gia phát triển về tài chính, khoa học, nhân lực để có hướng đi đúng.
Với PC1, đơn vị đang hợp tác với FPT để đào tạo nhân lực từ cấp trung đến lãnh đạo để phục vụ xanh hóa. Bên cạnh đó, khi ra sân chơi quốc tế, doanh nghiệp Việt cần phát triển các sản phẩm tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy định toàn cầu.
Còn với Vinfast, kinh nghiệm để thành công trong quá trình chuyển đổi xanh nằm ở việc lấy người dùng làm trọng tâm. Giám đốc Kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp cho rằng cần xây dựng niềm tin của người dùng về các sản phẩm, dịch vụ xanh. Theo bà Thu Phương, chìa khóa nằm ở con người – từ kỹ sư đến nhân viên kỹ thuật đều hiểu vai trò và trách nhiệm trong phục vụ cộng đồng. Ngoài ra mắt các sản phẩm giá hợp lý, hãng còn chú trọng đến công nghệ. Mỗi lần nâng cấp phần mềm, người dùng sẽ cảm nhận như đang sở hữu một chiếc xe mới. “Sự kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là mục tiêu của VinFast, giúp sản phẩm xanh đến gần hơn với mọi người và gia tăng trải nghiệm người dùng”, lãnh đạo hãng xe nói.
Trước khi khép lại buổi chia sẻ, các diễn giả lần lượt đưa ra thông điệp về chuyển đổi xanh cho cộng đồng và doanh nghiệp. Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc tư vấn FPT Digital nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác từ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trong hành trình chuyển đổi. Ông cho rằng từng nỗ lực nhỏ sẽ góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra môi trường sống tốt đẹp hơn. Cuối cùng, ông Minh khẳng định tiếp tục đồng hành quá trình và tin tưởng vào khả năng đạt mục tiêu Net Zero nhờ sự góp sức của toàn xã hội.
Hoài Phương
Nguồn VnExpress Source link