Jensen Huang nói thành công rực rỡ của ông trong ngành chip bắt đầu từ bài học khi làm nhân viên rửa bát trước khi được thăng chức lên làm phục vụ.
Theo Fortune, trong cuộc trò chuyện với khoa Kinh doanh sau đại học của trường Stanford tuần trước, Jensen Huang, CEO Nvidia, nói không có nghề nào thấp kém. Để chứng minh, ông kể về công việc đầu tiên của mình tại chuỗi nhà hàng Denny.
“Hãy nhớ tôi từng rửa bát thuê. Có lẽ tôi là người rửa bát giỏi nhất ở Denny. Tôi rửa sạch bong mọi bát đĩa”, tỷ phú nhớ lại.
Ông thậm chí đảm nhiệm cả việc dọn nhà vệ sinh và đùa rằng đã cọ toilet “nhiều hơn các bạn cộng lại”. Huang nói ông không bao giờ tay trắng rời nơi làm việc và về nhà khi trong tay chẳng có gì. “Tôi đã làm việc vô cùng chăm chỉ, hiệu quả trước khi được ‘thăng chức’ lên làm nhân viên phục vụ”, ông cho hay.
Theo tỷ phú, những bài học quan trọng khi rửa bát thuê đã đặt nền móng cho ông sau này. Đến giờ, ông vẫn đang học cách để trở thành một lãnh đạo giỏi dù công ty Nvidia của ông đã vượt mức vốn hóa hai nghìn tỷ USD.
Jensen Huang sinh năm 1963 ở Đài Loan. Năm 5 tuổi ông chuyển đến Thái Lan. Bốn năm sau ông đến Mỹ, học trường ngoại ô Portland, Oregon. Huang bắt đầu làm thuê ở nhà hàng Denny khi 15 tuổi. Ông theo học ngành kỹ sư điện tại Đại học bang Oregon. Năm 1992, ông lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Stanford.
Huang nói Denny không chỉ là nơi làm việc đầu tiên mà còn là nơi thai nghén ý tưởng thành lập công ty. Năm 1993, Huang gặp Chris Malachowsky và Curtis Priem tại nhà hàng Denny để thảo luận về việc “tạo một con chip cho phép đồ họa 3D hiển thị chân thực trên thiết bị cá nhân – máy tính”. Khi đó, Huang đang là kỹ sư thiết kế tại công ty bán dẫn và phần mềm LSI Logic ở Santa Clara, California.
Cả ba quyết định thành lập công ty dù biết rất ít về kiến thức xây dựng doanh nghiệp. Huang đến hiệu sách, tìm đọc cuốn How to Write a Business Plan (Cách viết kế hoạch kinh doanh) của Gordon Bell. Tuy nhiên, ông thừa nhận chưa từng đọc hết cuốn sách.
Sau khi thành lập Nvidia năm 1993, Huang trình bày ý tưởng với ông chủ cũ là Wilfred Corrigan, CEO LSI Logic khi đó. Corrigan nói “đó là một trong những lời chào hàng tệ nhất ông từng nghe”. Tuy nhiên, Corrigan đã nhìn thấy thái độ nghiêm túc của Huang nên ông thuyết phục nhà sáng lập Sequoia Capital Don Valentine, đầu tư vào Nvidia.
Nói về lý do thành lập công ty, Huang nhớ lại: “Khi đó cuộc cách mạng PC chỉ vừa bắt đầu. Chúng tôi nghĩ tại sao không cùng nhau xây dựng một công ty có thể giải quyết các vấn đề mà một chiếc máy tính bình thường chạy bằng điện toán đa năng không làm được”. Điều này sau đó trở thành sứ mệnh của Nvidia.
Huang tự hào rằng công nghệ của Nvidia đã mở đường cho một số ngành công nghiệp như tính toán công thức chế tạo thuốc mới, dự báo thời tiết, thiết kế vật liệu, robot, xe tự lái và AI. “Công nghệ Nvidia phát triển cho phép máy tính có thể tự viết phần mềm, ngày nay phổ biến hơn dưới tên gọi trí tuệ nhân tạo. Đó là một hành trình dài”, tỷ phú nói.
Nvidia đã lặng lẽ tập trung vào việc phát triển chip dành cho AI trong thời gian dài. Tuy nhiên, chỉ khi cơn sốt AI tạo sinh bùng nổ, danh tiếng Nvidia mới thật sự lên đỉnh cao. Giữa tháng 2, công ty vượt Amazon và Google để trở thành công ty công nghệ giá trị thứ ba ở Mỹ với định giá 2 nghìn tỷ USD.
Nhiều người cho rằng Nvidia đang phát triển quá nhanh, thậm chí tạo ra “bong bóng AI”. Nó nguy hiểm hơn “bong bóng dotcom” vào những năm 1990. Tuy nhiên CEO Jensen Huang không phải người mơ mộng. Ông nói mình vẫn nhớ về khởi đầu khiêm tốn và tiếp tục tiến lên. Nhiều năm qua, ông luôn xuất hiện trên sân khấu trong chiếc áo khoác da quen thuộc. Ông cũng duy trì sự gần gũi với nhân viên. Thay vì một mình trên đỉnh cao, Huang nói các giám đốc điều hành nên quản lý trực tiếp nhiều người nhất có thể.
CEO Nvidia cũng khuyến khích nhân viên ở mọi cấp độ có thể trực tiếp phản hồi ý kiến và gặp ông nếu cần giúp đỡ. “Trung bình mỗi ngày tôi nhận được khoảng 50 báo cáo trực tiếp và chẳng nhiệm vụ nào bên dưới tôi không biết”, ông chủ Nvidia nói.
Khi được hỏi lời khuyên dành cho sinh viên mong muốn trở thành doanh nhân thành đạt, Huang nói một trong những vấn đề quan trọng là kỳ vọng thấp và khả năng phục hồi cao. Tỷ phú cho rằng: “Sự vĩ đại đến từ những người thông minh từng trải qua nhiều thất bại. Đây là lý do tôi có thể nói chuyện về những thất bại, nỗi đau với niềm hân hoan tột độ”.
Trước đó trong một sự kiện diễn ra ở Dubai cuối tháng 2, Jensen Huang từng gây tranh cãi khi nói trẻ em không nên học lập trình. Ông cho rằng con người đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI và lập trình không còn là kỹ năng quan trọng, thay vào đó nên tập trung vào các chuyên môn có giá trị hơn như sinh học, giáo dục, sản xuất hoặc nông nghiệp. “Ngôn ngữ duy nhất mọi người cần là ngôn ngữ họ thành thạo. Điều quan trọng là chúng ta phải nâng cao kỹ năng và tôi tin quá trình đó sẽ rất thú vị và đáng ngạc nhiên”, CEO Nvidia nói.
Khương Nha
Nguồn VnExpress Source link