Trung tâm Viettel Post tại Lạng Sơn được gọi là công viên logistics lớn nhất Việt Nam, với diện tích hơn 143 ha, sử dụng công nghệ bản sao số để quản lý xe thông quan.
Trung tâm logistics của Viettel Post, ra mắt sáng 11/12 tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng. Dự án xây dựng trên diện tích 143,7 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày.
Để vận hành trung tâm với quy mô lớn, ông Lê Tuấn Anh, phụ trách công nghệ thông tin của Viettel Post, cho biết đã sử dụng giải pháp Digital Twins, mô phỏng mọi hoạt động của trung tâm lên môi trường ảo, đặc biệt là các phương tiện, từ đó hiển thị trên màn hình lớn tại Trung tâm điều hành NOC.
Digital Twins là bản sao kỹ thuật số của một vật thể hay hệ thống thực tế, được đưa lên môi trường số thông qua các cảm biến và dữ liệu đồng bộ theo thời gian thực. Giải pháp này được dùng trong quá trình vận hành thành phố thông minh, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
“Đây là lần đầu Digital Twins được ứng dụng trong một trung tâm logistics ở Việt Nam”, ông Tuấn Anh nói.
Cụ thể, các phương tiện khi vào trung tâm sẽ đặt chỗ trước qua ứng dụng, đồng thời được quét thông tin khi đi qua cổng Smart Gate. Bằng việc quét sáu chiều, NOC sẽ thu thập dữ liệu về kích thước, cân nặng, loại hàng hóa trên xe, thông tin tài xế. Mọi diễn biến được theo dõi và mô phỏng theo thời gian thực qua các cảm biến và hàng trăm camera được thiết lập khắp trung tâm.
Theo ông Tuấn Anh, do hoạt động trên diện tích lớn, sử dụng Digital Twins giúp quá trình vận hành được bao quát, trực quan và đầy đủ hơn, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các phương tiện. Ví dụ, nhờ được đưa lên môi trường số, AI sẽ giúp tài xế nhanh chóng xác định vị trí đỗ, chỉ đường, làm thủ tục, giám sát phương tiện.
Ngoài Digital Twins, nhiều công nghệ khác cũng được ứng dụng tại công viên như IoT, 5G, AI để điều khiển phương tiện, robot, hay công nghệ tự động hóa như khóa thông minh, máy bay không người lái, xe tự hành.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post, khẳng định các giải pháp công nghệ đều do công ty làm chủ. Ví dụ, robot vận chuyển hàng được các kỹ sư của hãng tự nghiên cứu và chế tạo.
“Nếu cứ đi mua sản phẩm bên ngoài, mỗi khi muốn thay đổi một chức năng cũng có thể mất nhiều tiền và chờ đợi lâu, thời gian tính bằng tháng. Vì vậy bắt buộc chúng tôi phải làm chủ công nghệ”, ông Thành nói và cho biết công ty đang làm chủ 10 dự án công nghệ cả phần cứng phần mềm, trong đó có dự án đã triển khai cho đơn vị ngoài.
Là trung tâm logistics lớn gần Trung Quốc, Viettel cho biết sẽ cung cấp các dịch vụ xuất nhập khẩu toàn trình, từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới. Hệ thống dữ liệu được chuẩn hóa và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc. Trên đường từ trung tâm ra biên giới, cứ 20 mét có một camera thường và 100 mét có một camera AI để đảm bảo giám sát an ninh an toàn.
Theo ông Thành, việc này đảm bảo tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống còn dưới 24 giờ, giảm 30-40% chi phí thông quan, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.
Ông cho biết tên gọi “công viên logistics” là vì trung tâm xây dựng theo tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) ra đời năm 1995 tại Mỹ. Đây là tiêu chuẩn về một công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tự động hóa cao và bảo vệ môi trường sống của con người. Trung tâm sử dụng công nghệ sang tải tự động, hệ thống kho dùng robot hoạt động trong bóng tối, kho tiết kiệm điện năng.
Lưu Quý
Nguồn VnExpress Source link