Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở ngành Thiết kế và Phát triển Game, dự kiến tuyển 160 sinh viên trong khóa đầu.
Theo tiến sĩ Cao Minh Thắng, chủ trì xây dựng chương trình Thiết kế và Phát triển Game, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), đây là chương trình đạo tạo chính quy, trình độ đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam về thiết kế và phát triển game (trò chơi điện tử).
“Tuy nhiên ngành này không tuyển sinh viên vào để chơi game. Thay vào đó sẽ đào tạo kiến thức, tư duy sáng tạo nội dung game cũng như sử dụng được các công nghệ, ứng dụng đa phương tiện. Mục tiêu của chuyên ngành là cung cấp nguồn nhân lực thiết kế game, có thể tham gia thị trường công nghệ game của thế giới”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trong năm đầu tiên, PTIT sẽ tuyển 160 sinh viên ngành Thiết kế và Phát triển Game. Tổ hợp xét tuyển gồm khối A, A01, D01. Dự kiến điểm chuẩn của ngành trong khoảng 25-26 điểm.
Chương trình học được thiết kế trong bốn năm, tám học kỳ với 135 tín chỉ. Trong đó bảy học kỳ tích lũy kiến thức tại học viện và một học kỳ thực tập chuyên sâu, thực tế tại cơ sở. Sinh viên khi tốt nghiệp sẽ nhận bằng Cử nhân ngành Công nghệ Đa phương tiện (Thiết kế và phát triển Game) trình độ đại học hệ chính quy.
Sinh viên sẽ được đào tạo theo chương trình chuẩn quốc tế, giáo trình tham khảo từ các đại học hàng đầu thế giới như New York University, University of Southern California hay Digipen Institute of Technology.
Đặc biệt, ngay từ năm hai đại học, sinh viên được tạo điều kiện để tham gia các dự án game tại doanh nghiệp và có nhiều cơ hội được tuyển dụng, có thu nhập ngay trong quá trình học. Ngoài ra sinh viên ngành Thiết kế và Phát triển Game còn có cơ hội nhận học bổng từ các quỹ, các công ty trong nghành, cơ hội tham quan học tập cũng như tìm kiếm việc làm tại những quốc gia có nền công nghiệp game phát triển như Mỹ, Hàn Quốc.
Theo lãnh đạo nhà trường, sinh viên ngành Thiết kế và Phát triển Game sau khi ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí như: Game Designer (Chuyên gia thiết kế kịch bản game); Game Developer (Chuyên gia phát triển game); Game Tester (Chuyên viên kiểm thử game); Game Technical Operator (Chuyên viên triển khai, vận hành, bảo trì các hệ thống game); Software Developer; Software Tester (Chuyên viên thiết kế, phát triển, kiểm thử phần mềm); Chuyên viên quản lý Nhà nước về Thông tin điện tử, Công nghệ thông tin tại Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương, bộ, ngành khác.
Tại tọa đàm Game Talks chủ đề “Thay đổi góc nhìn cho ngành game tại Việt Nam”, diễn ra trên báo VnExpress hồi tháng 4, các chuyên gia trích dẫn số liệu cho thấy ngành game trong nước đang theo hướng phát triển tích cực. Trong năm ngoái, doanh thu thị trường game Việt Nam đạt 665 triệu USD, theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Trong 5 năm qua, số lượt tải các game do Việt Nam sản xuất cũng tăng từ thứ 15 lên thứ 5 trên toàn thế giới, với 4,2 tỷ lượt tải.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam là một cường quốc về game, nằm trong top 5 các quốc gia sản xuất game trên di động (mobile game) hàng đầu thế giới, tính theo lượt tải xuống trong sáu tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, khoảng cách với nhóm đầu thế giới vẫn còn xa nếu xét theo tiêu chí về độ phức tạp, chất lượng cảm giác game, đồ họa. Trong khi đó, đào tạo để nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nhân sự là một giải pháp tích cực cho bài toán này.
Khương Nha
Nguồn VnExpress Source link