Thiết bị của người dùng tại nhiều khu vực ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành bất ngờ bắt được sóng 5G, dù công nghệ kết nối này chưa triển khai chính thức.
Thanh Nga (Hà Nội) cho biết vài ngày qua, khi đi qua một số khu vực ở phường Dương Nội, Hà Đông, điện thoại lại hiển thị biểu tượng sóng 5G thay cho 4G, dù cô không đăng ký bất cứ gói cước 5G nào. “Tôi nghĩ nếu triển khai, nhà mạng sẽ bắt đầu ở trung tâm thành phố trước, không nghĩ một quận xa như nơi này cũng có 5G”, Nga nói. Cô cho biết chất lượng kết nối khá ổn định, tốc độ cao hơn hẳn mạng 4G, giúp cô làm việc thoải mái mà không cần sử dụng wifi ở quán cà phê.
Kết quả đo thử bằng ứng dụng SpeedTest cho thấy tốc độ đạt khoảng 300 Mbps, tương đương một gói Internet cố định tốc độ cao và gấp ba lần kết nối 4G.
Trên mạng xã hội cuối tuần qua, người dùng smartphone tại nhiều khu vực như TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định… cũng phản ánh điện thoại của họ “bỗng dưng” chuyển sang kết nối 5G. Có người nói thiết bị thậm chí đã bắt được sóng 5G từ cuối tháng 9. Đây đều là những người đang sử dụng gói cước 4G trên điện thoại hỗ trợ 5G, từ iPhone 12, Galaxy S20 trở đi và các mẫu Android đời mới.
Cả ba nhà mạng từng đấu giá thành công tần số 5G là Viettel, VNPT, MobiFone đều không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp viễn thông cho biết khi 5G được triển khai chính thức, người dùng có thể sử dụng luôn trên thẻ sim 4G hiện tại, chỉ cần điện thoại có hỗ trợ 5G và đăng ký gói cước để sử dụng.
Các nhà mạng chưa thương mại hóa 5G tại Việt Nam, nhưng “đang khẩn trương triển khai hạ tầng” cho công nghệ mới và dự kiến cung cấp dịch vụ vào cuối năm nay, muộn nhất là giữa 2025, theo cam kết khi đấu giá băng tần hồi tháng 3. Một số ấn phẩm quảng cáo bị rò rỉ cho thấy Viettel có thể ra gói cước 5G từ 15/10.
Cuối 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết 2024 sẽ là năm thương mại hóa 5G. Một số đợt thử nghiệm đã được thực hiện từ 2020, nhưng sau bốn năm vẫn chưa nhà mạng nào cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ mới.
Theo quy hoạch hạ tầng viễn thông, Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2025, mạng 5G sẽ có tốc độ tối thiểu 100 Mbps, sóng 5G sẽ phủ đến 99% dân số vào 2030.
Đối với người dùng phổ thông, sự khác biệt lớn nhất của công nghệ 5G so với 4G là tốc độ, giúp tải nội dung trực tuyến nhanh hơn, đặc biệt file dung lượng lớn như phim 4K, 8K, thực tế tăng cường AR. Tuy nhiên, hai điểm mạnh khác của kết nối này là độ trễ siêu thấp và khả năng hỗ trợ số lượng lớn thiết bị trong mạng, mở ra nhiều ứng dụng mới mà 4G chưa thể thực hiện như điều khiển từ xa thiết bị cần độ chính xác cao trong lĩnh vực xây dựng, y tế, sản xuất, vận tải, xe tự hành…
Theo đại diện Cục Viễn thông, mạng 5G tại Việt Nam dự kiến được triển khai trước ở những khu vực mạng 4G không còn đủ khả năng đáp ứng, hoặc một số khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Lưu Quý
Nguồn VnExpress Source link