Lee Jae-yong, Chủ tịch Samsung, cho biết công ty đang có những “mối lo nghiêm trọng”, nhất là trong mảng chip.
“Tôi rất ý thức rằng, gần đây, có nhiều lo ngại về tương lai Samsung. Có người cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng và lo ngại nó sẽ rất khác so với trước”, ông Lee Jae-yong nói trong phiên phúc thẩm tại Tòa án cấp cao Seoul tuần này. “Là một doanh nhân, tôi luôn suy nghĩ về cách đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của công ty. Thực tế hiện tại khó khăn hơn bao giờ hết, nhưng tôi chắc chắn sẽ vượt qua và tiến lên phía trước”.
Ông Lee, 56 tuổi, con trai duy nhất của cựu chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, bị truy tố vào tháng 9/2020 với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu, vi phạm nghĩa vụ và gian lận kế toán trong quá trình sáp nhập gây tranh cãi vào năm 2015 của hai công ty Cheil Industries và Samsung C&T. Ông được tòa tuyên vô tội, nhưng vừa bị kháng nghị bởi các công tố viên ngày 25/11.
Theo Maeil Business Newspaper, ông Lee đang điều hành Samsung trong môi trường kinh doanh rất khác so với thời của cha ông. Việc chưa thể thoát khỏi rủi ro pháp lý trong suốt 9 năm khiến các quyết định quản lý bị hạn chế.
Trong văn bản Nhân sự thường trực năm 2025 công bố ngày 27/11, Samsung Electronics đã cố gắng thay đổi bộ máy lãnh đạo mảng bán dẫn đang gặp khó khăn bằng cách thiết lập hệ thống hai CEO và trao quyền cho nhiều người hơn.
Cụ thể, Samsung quyết định trao niềm tin cho giám đốc mảng bán dẫn Jun Young-hyun khi bổ nhiệm ông làm đồng CEO và trao quyền kiểm soát trực tiếp cho mảng kinh doanh chip nhớ đang gặp khó khăn. Công ty cũng đưa giám đốc mảng chip ở Mỹ là Han Jin-man lên làm CEO, đảm nhiệm phần kinh doanh đúc chip theo thiết kế của khách hàng.
Tuy nhiên, Samsung vẫn giữ Chung Hyun-ho, người đứng thứ hai sau Chủ tịch Jay Y. Lee, phụ trách Lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đưa một cựu giám đốc tài chính làm cấp phó cho ông này. Theo Reuters, động thái của Samsung khiến giới phân tích, những người tranh luận rằng một số lãnh đạo Samsung ra quyết định sai lầm thời gian qua khiến công ty chậm áp dụng AI, cảm thấy thất vọng. Cổ phiếu của hãng Hàn Quốc giảm 3,4% sau thông báo cải tổ.
Theo JoongAng Ilbo, ông Chung có gốc gác quản lý doanh nghiệp thay vì kỹ thuật. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến Samsung đầu tư ít hơn vào các công nghệ rủi ro cao, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào những dự án an toàn và có lợi nhuận.
“Cách tiếp cận đó khiến các kỹ sư thất vọng”, Lee Jong-hwan, giáo sư bán dẫn tại Đại học Sangmyung và từng là kỹ sư chip tại Samsung, nhận định. “Việc nghiên cứu công nghệ mới, vật liệu mới và quy trình mới là cần thiết, nhưng Samsung dường như chỉ tập trung vào những gì họ làm tốt, là chip nhớ. Triết lý này khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh”.
Park Ju-gun, CEO công ty phân tích doanh nghiệp Leaders Index, băn khoăn với việc Phó chủ tịch Chung vẫn tại vị, liệu đợt cải tổ có giải quyết được những lo ngại về lãnh đạo hay không. Hiện Lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp của Samsung do ông đứng đầu vẫn tham gia vào quá trình ra quyết định quan trọng.
Trong thông báo của Samsung, ông Jun sẽ giải quyết được “cuộc khủng hoảng chip”. Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy bộ phận này giảm 40% lợi nhuận so với quý trước đó. Công ty cũng được cho là mất “một khách hàng lớn”. Dù chưa rõ khách hàng này là ai, một số nhà phân tích dự đoán khả năng cao nhất là Nvidia.
Samsung cho biết mục đích của đợt tái cơ cấu là nhằm khắc phục tình trạng bất ổn trong kinh doanh, cải tổ tổ chức và nâng cao cạnh tranh về mặt công nghệ của mảng chip. Dù vậy, giới quan sát cho rằng công ty khó sớm lật ngược tình thế.
“Samsung đang ủng hộ chiến lược của Jun nhằm giành lại sức cạnh tranh”, Jeff Kim, trưởng bộ phận nghiên cứu của KB Securities, nhận xét.
Bên cạnh mảng bán dẫn, hãng cũng đối mặt với khó khăn ở các lĩnh vực khác. Trên thị trường smartphone, ngoài Apple với iPhone 16 vừa ra mắt, Samsung còn phải chạy đua với đối thủ đang trở lại là Huawei, khi thị phần của hãng giảm xuống chưa tới 1% tại thị trường Trung Quốc. Công ty Hàn Quốc được cho là sắp cắt giảm nhân sự cuối năm nay ở quy mô toàn cầu.
Hiện Chủ tịch Lee chưa thể tự do điều hành Samsung do chưa thoát khỏi vấn đề pháp lý. Ông sẽ tham gia phiên tòa tiếp theo vào tháng 2/2025. “Sau đó, chúng ta mới có thể biết ông Lee có thể vượt qua khủng hoảng theo cách riêng của mình không?”, Maeil Business Newspaper bình luận.
Bảo Lâm
- Samsung có thể phải hủy sản xuất chip 2 nm
- Samsung sắp cắt giảm nhân sự toàn cầu
Nguồn VnExpress Source link