Một lần bí ý tưởng, Anh Dũng (TP HCM) thử hỏi ChatGPT và được “giải cứu”, khiến anh ngày càng phụ thuộc vào chatbot này.
“Trước tôi chỉ nghe về chatbot AI qua báo chí, mạng xã hội chứ không có ý định sử dụng”, anh Dũng, một nhà sáng tạo nội dung tại TP HCM, cho biết. “Còn hiện tôi thường xuyên sử dụng AI để gợi mở ý tưởng, tạo hình ảnh, video ngắn hoặc lên kịch bản cho một số bài viết”.
Đinh Long, một lập trình viên ở Đà Nẵng, cũng cho biết: “70% công việc của tôi đang được hỗ trợ bởi các công cụ AI chuyên biệt, chủ yếu soạn thảo câu lệnh hay ‘nhờ’ chatbot đưa ra ý tưởng mới, giúp tôi hoàn thành dự án nhanh hơn nửa thời gian so với trước”, anh Long kể và cho biết được cấp trên ủng hộ.
Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng AI cho công việc cũng được lập ra. Anh Bằng, quản trị viên một nhóm liên quan đến ChatGPT với 122.000 thành viên, cho biết mỗi ngày nhóm nhận được 10-15 bài hỏi đáp về vấn đề đang gặp hoặc cách tối ưu hóa trải nghiệm. Vũ Thiên, quản trị viên một nhóm liên quan đến công cụ tạo video như Midjourney với hơn 50.000 thành viên, cũng cho biết nhóm hoạt động sôi nổi kể từ khi thành lập đầu năm nay.
Theo thống kê mới của nền tảng tuyển dụng TopCV dựa trên 300.000 tin tuyển dụng và khảo sát gần 3.000 doanh nghiệp, có 82,6% người lao động không thuộc nhóm công nghệ thông tin (Non-IT) nói đang sử dụng AI trong công việc. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm công nghệ thông tin (IT) như lập trình viên, kỹ sư phần mềm… lên tới 93,49%.
“Con số này cho thấy sự phổ biến cao và xu hướng mạnh mẽ hướng tới tự động cũng như tối ưu hóa trong quy trình làm việc thông thường”, TopCV bình luận.
Xét về mức độ sử dụng, nhóm IT – phần mềm có tỷ lệ cao hơn đáng kể. 52,11% người làm lập trình, kỹ sư kiểm thử, chuyên gia máy học đang sử dụng AI nhiều hơn do yêu cầu kỹ thuật và tính chất công việc. Ngược lại, nhóm Non-IT sử dụng AI thường xuyên khoảng 33,6%.
Chatbot và trợ lý ảo là công cụ được dùng phổ biến nhất, nhưng với tỷ lệ sử dụng ở nhóm IT – Phần mềm và Non-IT lần lượt là 59,24% và 47,62%.
Khảo sát cũng cho thấy AI cải thiện đáng kể hiệu suất công việc đối với phần lớn người lao động. 49,7% đánh giá trí tuệ nhân tạo giúp tăng hơn 31% hiệu suất, cho thấy tiềm năng của việc ứng dụng AI vào quy trình làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn 20,9% cho rằng tác động của AI chưa rõ ràng hoặc không có ảnh hưởng.
Võ Thạnh, giám đốc một công ty phần mềm tại Huế, cho biết đã đưa yếu tố “biết sử dụng các công cụ AI” vào danh mục tuyển dụng bên cạnh yêu cầu về chuyên môn cho từng vị trí.
“Miễn là không lạm dụng, AI đang giúp chúng tôi tăng tiến độ công việc lên rất nhiều”, Võ Thạnh nói.
Nguyễn Ngọc Duy Luân, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng và đang quản lý công ty riêng về xử lý dữ liệu, cho biết mọi người ngày càng ứng dụng AI nhiều, nhất là với tác vụ mang tính lặp đi lặp lại, tốn thời gian, nhàm chán. “Khi áp dụng AI, khối lượng công việc giảm đáng kể, từ đó giải phóng thời gian để nghỉ ngơi hoặc làm việc mang giá trị cao hơn, ảnh hưởng nhiều hơn tới kết quả đầu ra cho công ty”, anh Luân giải thích.
Theo anh, AI có thể giúp bất cứ ai tăng năng suất nếu áp dụng đúng, nên cả nhân viên và người quản lý đều có xu hướng thích dùng AI. Các công cụ AI phổ biến như OpenAI ChatGPT, Google Gemini, Microsoft Copilot đều hoạt động tại thị trường Việt Nam, hỗ trợ tiếng Việt, nên mức độ tiếp cận cũng cao hơn.
Không chỉ cá nhân, doanh nghiệp cũng ưu tiên người biết AI, thậm chí triển khai các khóa đào tạo AI cho nhân viên. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng tồn tại nhược điểm. Theo Võ Thạnh, khả năng tư duy, sáng tạo của nhân viên có thể giảm sút nếu quá phụ thuộc vào chatbot, đồng thời có thể làm giảm giá trị, vai trò của mỗi cá nhân.
Trong khi đó, Duy Luân cho rằng nếu doanh nghiệp lạm dụng AI, kết quả đôi khi rất tệ và mất thêm thời gian khắc phục. Bên cạnh đó, một số nhân viên đang làm những nhiệm vụ mà AI có thể thay thế, nên cần kế hoạch phân bổ, luân chuyển phù hợp để tránh gây bất mãn hoặc lãng phí. Nhân viên cũng có thể vô tình làm rò rỉ dữ liệu mật của công ty ra ngoài qua các công cụ AI.
Theo TopCV, thay vì xem AI là mối đe dọa, người lao động cần được định hướng để coi công nghệ như một đồng minh giúp cải thiện hiệu quả. Việc chủ động học hỏi, làm quen và áp dụng AI sẽ giúp họ tránh bị tụt hậu, mở ra cơ hội tạo dựng giá trị mới trong môi trường lao động hiện đại.
Trước đó, khi đối thoại với giáo sư Yoshua Bengio ngày 5/12, ông Trương Gia Bình cũng cho rằng AI cần được xem là “đồng minh” chứ không phải mối đe dọa giành việc của con người. Tuy nhiên thay vì đứng yên, mỗi người cần học hỏi và thích nghi để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường lao động, như cần hiểu cơ bản về AI, học máy, khoa học dữ liệu, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề và phân tích để làm việc hiệu quả với các hệ thống AI.
“Món ăn của tôi có thể khác món ăn của bạn, thậm chí trong một bữa trưa, món ăn của chúng ta cũng có thể không giống nhau”, ông lấy ví dụ. “Để tạo sự khác biệt đó, bạn cần làm chủ AI, hiểu cách thức hoạt động của nó và biết cách thích nghi với những thay đổi mới. Vì thế, kỹ năng về AI và hiểu biết về công nghệ thông tin là yếu tố quyết định mỗi người sẽ có công việc trong tương lai. Những ai thiếu đi kỹ năng đó, tôi nghĩ sẽ gặp khó khăn trong việc theo kịp xu thế”.
Bảo Lâm
- Nỗi khổ của sinh viên khi bị nghi dùng AI để gian lận
- Một công ty ngừng tuyển dụng vì ‘AI làm được mọi việc’
- Giáo sư Yoshua Bengio: ‘Không giao cho AI khả năng tự bảo tồn’
- ‘Quái kiệt AI’ Yoshua Bengio: ‘AI không cướp việc của con người’
Nguồn VnExpress Source link