Phúc Anh Store Blog
Tin tức công nghệ

Mất hàng chục triệu đồng vì săn vé live performance ‘Anh trai’ trên mạng


Một phụ nữ tại Hai Bà Trưng, Hà Nội mất 50 triệu đồng khi giao dịch mua lại vé xem chương trình “Anh trai say hi”.

Ngày 2/12, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhiều người bị lừa tiền khi mua lại vé online và trong số các nạn nhân có một phụ nữ mất 50 triệu đồng. Khi tìm vé trên mạng xã hội, người này trao đổi với một tài khoản tự xưng là “trong ban tổ chức”, có nhiều vé cần bán lại. Khi liên hệ, họ đề nghị chuyển tiền để nhận vé.

Tuy nhiên sau khi chuyển, tài khoản không gửi lại thông tin, các bài đăng bán vé trước đó cũng biến mất. Người phụ nữ nhận ra mình bị lừa và trình báo công an.

Tương tự, hồi cuối tháng 11, Bích Hương, 38 tuổi ở Hà Nội, cũng đặt mua 4 vé “Anh trai say hi” qua một trang Facebook. Chị cho biết đã kiểm tra kỹ tài khoản cá nhân của người bán và thấy có nhiều tương tác “thật” nên tin tưởng chuyển tiền đặt cọc 2 triệu đồng. Một ngày sau, chị phát hiện bài “bóc phốt” người này trên một hội nhóm nên nhắn hỏi, nhưng lập tức bị chặn liên lạc.





Chị Bích Hương bị chặn liên lạc sau khi chuyển tiền để mua vé concert. Ảnh: Tuấn Hưng

Chị Bích Hương bị chặn liên lạc sau khi chuyển tiền để mua vé concert. Ảnh: Tuấn Hưng

Theo Cục An toàn thông tin, trước sức hút của hai chương trình âm nhạc lớn là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi”, tình trạng lừa đảo này đang diễn ra phổ biến do nhiều người hâm mộ không thể mua được vé từ ban tổ chức nên phải mua lại trên mạng. Các nhóm lừa đảo đang hoạt động mạnh, đặc biệt khi gần ngày sự kiện diễn ra.

Thủ đoạn chung của chiêu này tương tự các hình thức lừa đảo qua mạng khác. Kẻ gian tạo những tài khoản mạng xã hội giả, sau đó tham gia hoặc lập hội nhóm trao đổi nhằm thu hút người dùng.





Đông đảo người hâm mộ tham gia một buổi trình diễn Anh trai vượt ngàn chông gai, tháng 10 tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Đông đảo người hâm mộ tham gia một buổi trình diễn Anh trai vượt ngàn chông gai, tháng 10 tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, Cục cũng ghi nhận có trường hợp tạo vé giả với hình thức tương tự vé thật, rao thấp hơn giá thị trường và người mua thường không phát hiện cho tới khi đến cửa vào sự kiện. Ngoài ra, một số quảng cáo vé ở vị trí đẹp hoặc gói tiện ích cộng thêm, nhưng thực chất là dụ người dùng chi tiền cho những dịch vụ không có thật.

“Trong trường hợp sang nhượng, trước khi giao dịch, cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực”, chuyên gia của Cục khuyến cáo.

Ngoài ra với vé ca nhạc, người dùng được khuyến nghị ưu tiên gặp và giao dịch trực tiếp để xác định được sự uy tín của tấm vé, tránh bị trục lợi, đồng thời theo dõi thông tin trên kênh bán vé chính thống, không tin tưởng vào lời rao thiếu tính xác thực được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Lưu Quý




Nguồn VnExpress Source link

Tin cùng danh mục

Người dùng Fb, Google có thể bị nghe lén

Dịch vụ chia sẻ xe điện sang trọng của Uber sắp có mặt tại NYC

Đây là bộ sạc USB-PD 240W đầu tiên bạn thực sự có thể mua